14/01/2023
14/1/2023 - CHƯƠNG TRÌNH CHÀO XUÂN QUÝ MÃO NĂM 2023
Lượt xem: 258
Một năm mới bắt đầu bằng mùa xuân, đời người bắt đầu từ tuổi trẻ và tuổi trẻ chính là mùa xuân của đất nước. Trong không khí vui tươi, phấn khởi khi bước vào năm mới 2023, được sự đồng ý và chỉ đạo của Chi bộ – Ban Giám hiệu nhà trường. BCH Đoàn trường long trọng tổ chức Chương trình chào xuân Qúy mão năm 2023 với chủ đề “ Xuân gắn kết” như lời chào và lời chúc mừng năm mới thịnh vượng và bình an dành tặng cho tất cả mọi người.
Đến tham dự chương trình có Cô Trần Thị Thanh Huyền - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cùng toàn thể quý thầy cô trong Hội đồng sư phạm nhà trường và hơn 700 học sinh trong toàn trường.
Chương trình chào xuân sẽ hiện lên một số nét văn hóa của các dân tộc trong dịp đón tết cổ truyền, được tái hiện qua hoạt cảnh “Du xuân miền Tây Bắc”. Đầu tiên là Tết cổ truyền người Kinh: Phong tục gói bánh chưng ngày Tết là hoạt động không thể thiếu trong mỗi gia đình, thường thì sẽ gói vào ngày 27, 28 tháng chạp, Ra giêng thì mọi nhà thường đến thăm ông bà, bố mẹ, anh em bạn bè để chúc tết và đặc biệt là đi chùa để xin lộc cầu may đầu năm.
Tiếp theo đó là Tết cổ truyền H’Mông không giống Tết dưới miền xuôi, bởi vì họ ăn tết theo vụ mùa. Thông thường người H’Mông ăn tết trước Tết Nguyên Đán 1 tháng, sẽ bắt đầu khoảng tháng 12 âm lịch hàng năm. Ngày nay người H’Mông chọn lịch ăn tết trùng với tết Nguyên Đán, để tiện cho con cháu đi làm ở xa có thể về chung vui với gia đình. Thế nhưng, không phải vì vậy mà họ bỏ quên phong tục của đồng bào mình. Người H’Mông có quan niệm rằng ngày và đêm là 2 phạm trù hoàn toàn khác biệt nhau. Do vậy, khi khoảnh khắc chuyển giao lúc mặt trời lặn là mọi người quây quần để cùng nhau thực hiện lễ Lử-xu. Sau đó, gia đình nhà nào về nhà nấy để làm lễ thay bàn thờ tổ tiên.
Đặc biệt trong chương trình hôm nay còn được tái hiện bởi nét văn hóa đặc sắc của người Dao quan niệm một năm có 2 tết chính, đó là rằm tháng bảy và Tết Nguyên đán.Tết Nguyên đán là tết lớn nhất trong năm được đồng bào chuẩn bị từ sớm để con cháu vui xuân đón Tết, với mong muốn một năm mới bình an, no ấm. Ngay từ giữa tháng chạp, đồng bào đã chuẩn bị đồ lễ và cúng Tết. Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà sẽ làm mâm cỗ to hay nhỏ cho phù hợp. Trong lễ cúng tết của người Dao nhất thiết phải mổ lợn, làm bánh dày nhân hạt bí, hoặc nhân lạc để cúng tết. Báo cáo ông bà tổ tiên thành quả lao động, sản xuất của gia đình sau một năm, với mong muốn một năm mới bình an, làm ăn tấn tới”. Chương trình đã tái hiện Lễ cấp sắc của dân tộc Dao rất đặc sắc và ý nghĩa.
Cuối cùng là Tết cổ truyền của dân tộc Tày miền Tây Bắc, được nhắc tên đó là mảnh đất Văn Bàn nghĩa tình của chúng tôi. Văn Bàn sở hữu kho tàng văn hóa truyền thống đa dạng, những mảnh ruộng bậc thang, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với nhiều cây cổ thụ, những thảm thực vật xanh mướt, đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên thơ mộng, bình yên, nét văn hóa truyền thống và đậm đà bản sắc, đến thăm nếp nhà sàn truyền thống đẹp mắt, được lợp bởi lá cọ rất mát, phủ màu thời gian.
Hội chữ thập đỏ nhà trường và các tổ chức ban nghành với tấm lòng nhân ái, chia sẻ: "Lá lành đùm lá rách' đã hỗ trợ được rất nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có 1 cái tết thật ấm no, hạnh phúc.
Chương trình diễn ra với những khoảnh khắc vui tươi, học sinh được hiểu rõ thêm về những nét văn hóa truyền thống đa dạng của các dân tộc vùng Tây Bắc. Thay mặt Ban thường vụ Đoàn trường tôi xin chân thành cảm ơn các em, đoàn biểu diễn đã thể hiện những tiết mục hết sức đặc sắc. Chúc các thầy cô giáo trong toàn trường và các em học sinh có một năm mới thật an toàn, vui vẻ, thành công trong năm 2023.



HOANG CAM